Quy định rõ cơ chế ưu đãi đặc thù đối với dự án điện gió ngoài khơi

Phát biểu thảo luận về dự Luật Điện lực (sửa đổi) tại Tổ thảo luận Số 4 vào chiều 26/10, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu Huỳnh Thị Phúc thống nhất sự cần thiết phải sửa đổi Luật Điện lực để phù hợp yêu cầu thực tiễn.

Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Huỳnh Thị Phúc phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: CHÂU VŨ

Tham gia góp ý đối với các quy định về phát triển điện gió ngoài khơi tại dự thảo Luật, đại biểu Phúc cho biết: Bà Rịa – Vũng Tàu là địa phương có tiềm năng lớn về năng lượng gió, tốc độ gió 8÷10m/s ở độ cao trung bình 100m; đất dưới mặt biển tương đối bằng phẳng; độ sâu đáy biển 20-40m. Báo cáo Chuỗi cung ứng điện gió ngoài khơi của Đại sứ quán Nauy gần đây cũng khẳng định tiềm năng gió vô cùng to lớn của BR-VT; Bên cạnh đó, cơ sở vật chất, hạ tầng, giao thông và nguồn nhân lực tại của tỉnh khá hoàn chỉnh, để phục vụ phát triển điện gió ngoài khơi. Từ đó, đại biểu đề xuất để thể chế hóa Nghị quyết 55-NQ-TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Bộ Chính trị về chính sách đột phá để khuyến khích và thúc đẩy mạnh mẽ các nguồn năng lượng tái tạo, trong đó có điện gió ngoài khơi, Ban soạn thảo cân nhắc thể chế hóa và quy định rõ trong dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) về: (i) Thẩm quyền của Chính phủ trong việc phát triển điện gió ngoài khơi; (ii) Cụ thể các cơ chế ưu đãi đặc thù đối với dự án điện gió ngoài khơi cũng như cơ chế khuyến khích, ưu tiên xuất khẩu điện từ nguồn điện gió ngoài khơi; (iii) Đảm bảo tỷ lệ nội địa hóa trong sử dụng hàng hóa, dịch vụ theo lộ trình do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Góp ý đối với quy định về chấp thuận chủ trương đầu tư dự án điện lực (Điều 19), đại biểu Phúc cho biết, Điều 19 quy định về đầu tư xây dựng dự án điện lực chưa nêu rõ quy định về chấp thuận chủ trương đầu tư dự án điện lực, các dự án năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối, cũng như quy định về đánh giá khả năng kết nối của các dự án năng lượng tái tạo. Tại Mục 1 Chương III chỉ mới quy định chung về điện năng lượng tái tạo, năng lượng mới và Mục 2 của Chương III có quy định dành riêng cho phát triển điện gió ngoài khơi, nhưng cũng chưa làm rõ tiêu chí đánh giá và khả năng kết nối vào lưới điện quốc gia. Vì vậy, đại biểu đề xuất ban soạn thảo cân nhắc bổ sung quy định chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án năng lượng tái tạo rõ hơn đối với nguồn năng lượng mới là điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối và khả năng kết nối vào hệ thống lưới điện quốc gia.

Về quy định chung trong phát triển điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới (khoản 2 Điều 31), đại biểu Phúc đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung thêm một nguyên tắc ưu tiên phát triển điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới là điểm k vào khoản 2 Điều 31 với nội dung như sau: “k) Ưu tiên phát triển nguồn năng lượng tái tạo từ điện gió ngoài khơi gắn liền với bảo đảm an ninh quốc phòng, giữ vững chủ quyền quốc gia” để thể chế hóa các quy định của Nghị quyết 55/NQ-TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị.

 Về quy định chung phát triển điện gió ngoài khơi (khoản 3 Điều 38), đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc sửa nội dung tại khoản 3, Điều 38 thành: “Nhà nước thực hiện giao đất, cho thuê đất, đồng bộ với giao khu vực biển, cho thuê biển với các công trình thuộc dự án điện gió ngoài khơi” để đảm bảo việc đồng bộ các quy định và thẩm quyền của Nhà nước trong việc giao đất, cho thuê đất đối với các dự án điện gió ngoài khơi. Đồng thời bổ sung thêm một khoản mới vào Điều 38 có nội dung: “Nhà nước đảm bảo phát triển cơ sở hạ tầng của hệ thống điện  đảm bảo đấu nối, giải tỏa công suất các dự án điện gió ngoài khơi” để đảm bảo an toàn trong quá trình xây dựng và vận hành dự án.

Về phát triển điện gió ngoài khơi (Điều 39), đại biểu Phúc đề nghị sửa khoản 3 Điều 39 theo hướng bỏ cụm từ “hàng năm” và thêm cụm từ “việc cam kết tiêu thụ sản lượng điện năng để đảm bảo hiệu quả đầu tư của dự án” và sửa thành: “Đối với dự án có đấu nối lên hệ thống điện quốc gia, bên mua điện và bên bán điện được quyền thỏa thuận trong hợp đồng mua bán điện về tỷ lệ bảo đảm huy động sản lượng điện tối thiểu, sản lượng điện còn lại thực hiện tham gia thị trường điện theo quy định. Căn cứ mục tiêu phát triển và thu hút đầu tư từng thời kỳ, Chính phủ quy định chi tiết việc cam kết tiêu thụ sản lượng điện năng để đảm bảo hiệu quả đầu tư của dự án”; đại biểu cho biết tình hình tại một số thị trường quốc tế, ở các giai đoạn khởi tạo thì lượng điện năng sản xuất được tiêu thụ toàn bộ. Đối với khoản 4 Điều 39, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung thêm một khoản mới quy định về ưu đãi về thuế xuất nhập khẩu, đối với vật tư, thiết bị chuyên dùng cho dự án điện gió ngoài khơi: “d) Được ưu đãi về thuế xuất nhập khẩu, đối với vật tư, hàng hóa, thiết bị đối với dự án điện gió ngoài khơi”.

Quang cảnh phiên thảo luận tổ. Ảnh: CHÂU VŨ

Về lựa chọn nhà đầu tư điện gió ngoài khơi (khoản 1, Điều 42), đại biểu Phúc cho rằng nếu quy định như dự thảo Luật sẽ không huy động được tối đa nguồn lực của các đơn vị thuộc Tập đoàn Nhà nước, vì thế đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc sửa đổi điểm a, khoản 1 “a. Dự án không đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư vì lý do quốc phòng, an ninh” thành “a) Để đảm bảo an ninh, quốc phòng và quyền chủ quyền, Thủ tướng Chính phủ quyết định giao  công ty 100% vốn nhà nước hoặc đơn vị thành viên của công ty 100% vốn nhà nước đề xuất đối tác đầu tư hoặc hợp tác với nhà đầu tư được lựa chọn theo quy định của Chính phủ”.

Về tiêu chuẩn, quy chuẩn điện gió ngoài khơi (khoản 3 Điều 43), đại biểu Phúc phân tích do đặc thù điện gió ngoài khơi còn khá mới nên việc quy định về các quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức, đơn giá liên quan đến công tác khảo sát địa hình, địa chất, khí tượng, hải văn; thi công, nghiệm thu các công trình, dự án điện gió ngoài khơi sẽ gặp nhiều vướng mắc, bất cập. Đồng thời, ngành dầu khí và điện gió ngoài khơi có tính tương đồng rất cao khi đều khai thác tài nguyên biển xa bờ, có liên quan mật thiết đến an ninh, chủ quyền biển đảo, vùng đặc quyền kinh tế. Từ đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung cụm từ “tiêu chuẩn kỹ thuật tương đương của các ngành năng lượng – dầu khí, thông lệ thị trường điện gió ngoài khơi quốc tế” vào điểm b, khoản 3 Điều 43 và sửa thành: “b) Các công trình điện gió ngoài khơi được áp dụng các tiêu chuẩn của quốc tế, nước ngoài, tiêu chuẩn kỹ thuật tương đương của các ngành năng lượng – dầu khí, thông lệ thị trường điện gió ngoài khơi quốc tế  đối với các trường hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn Việt Nam chưa được ban hành”.

Ngoài ra, đại biểu Phúc cũng quan tâm góp ý đối với nội dung điều kiện nhà đầu tư nước ngoài thực hiện phát triển điện gió ngoài khơi (Điều 46); Nguyên tắc vận hành, điều độ hệ thống điện quốc gia (Điều 89) của dự thảo Luật.

Nguồn tin: baobariavungtau.com.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *