Kỳ họp thứ 21 (kỳ họp chuyên đề), HĐND tỉnh khóa VII, nhiệm kỳ 2021 – 2026 diễn ra sáng 25/6 đã thông qua 7 nghị quyết liên quan đến lĩnh vực pháp chế, đất đai và ngân sách, trong đó có 4 nghị quyết quan trọng mang tính lịch sử.
Đại biểu biểu quyết thông qua các nghị quyết.
Thành lập TP.Phú Mỹ và huyện Long Đất
Nghị quyết về việc tán thành chủ trương thành lập các phường thuộc TX.Phú Mỹ và thành lập TP.Phú Mỹ thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nêu rõ, tán thành chủ trương thành lập 3 phường thuộc TX.Phú Mỹ, gồm: phường Tóc Tiên, Tân Hòa, Tân Hải trên cơ sở nguyên trạng toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của các xã cùng tên.
TP.Phú Mỹ được thành lập trên cơ sở nguyên trạng toàn bộ diện tích tự nhiên (333,02km2), quy mô dân số (195.591 người) và 10 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc TX.Phú Mỹ (8 phường: Phú Mỹ, Mỹ Xuân, Hắc Dịch, Tân Phước, Phước Hòa, Tóc Tiên, Tân Hòa, Tân Hải và 2 xã: Sông Xoài, Châu Pha). Phú Mỹ có tỷ lệ đô thị hóa đạt 86,09%.
Tại Nghị quyết về việc tán thành chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2025 của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, HĐND tỉnh quyết nghị: nhập nguyên trạng diện tích tự nhiên và quy mô dân số của huyện Long Điền vào huyện Đất Đỏ, lấy tên là huyện Long Đất. Huyện Long Đất có diện tích tự nhiên 267,42km2, quy mô dân số: 241.501 người.
Về thành lập đơn vị hành chính cấp xã, HĐND tỉnh quyết nghị, nhập nguyên trạng diện tích tự nhiên và quy mô dân số của xã Lộc An, huyện Đất Đỏ vào xã Phước Hội, huyện Đất Đỏ, lấy tên là xã Phước Hội, huyện Long Đất; nhập nguyên trạng diện tích tự nhiên và quy mô dân số của xã Long Mỹ, huyện Đất Đỏ vào TT.Phước Hải, huyện Đất Đỏ, lấy tên là TT.Phước Hải, huyện Long Đất; nhập nguyên trạng diện tích tự nhiên và quy mô dân số của 3 xã: An Nhứt, An Ngãi và Tam Phước thuộc huyện Long Điền thành 1 xã, lấy tên là xã Tam An, huyện Long Đất.
Tại TP.Bà Rịa, nhập nguyên trạng diện tích tự nhiên và quy mô dân số của phường Phước Hiệp vào phường Phước Trung, lấy tên là phường Phước Trung.
Với việc sắp xếp trên, huyện Long Đất có 11 đơn vị hành chính cấp xã (7 xã và 4 thị trấn); TP.Bà Rịa có 10 đơn vị hành chính cấp xã (3 xã và 7 phường).
TP.Phú Mỹ thành lập trên cơ sở nguyên trạng toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số và 10 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc thị xã. Trong ảnh: Tuyến tránh QL56 (đoạn đi qua TX.Phú Mỹ) hoàn thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Sau khi thành lập TP.Phú Mỹ và sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2025, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ có 3 thành phố: Vũng Tàu, Bà Rịa, Phú Mỹ và 4 huyện: Long Đất, Châu Đức, Xuyên Mộc, Côn Đảo và 77 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 28 phường, 6 thị trấn, 43 xã).
Hỗ trợ những trường hợp dôi dư
Phát biểu bế mạc kỳ họp, ông Mai Ngọc Thuận, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cho biết, qua hơn 20 năm thành lập và phát triển, huyện Long Điền, huyện Đất Đỏ đã có nhiều thay đổi về diện mạo và có sự chuyển mình mạnh mẽ trong mọi hoạt động kinh tế – xã hội. Hai huyện đều đạt các tiêu chí huyện nông thôn mới và đang hướng tới đạt tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao.
Ông Mai Ngọc Thuận, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu bế mạc kỳ họp.
Tuy nhiên, cả huyện Long Điền, huyện Đất Đỏ và một số đơn vị hành chính cấp xã không đủ điều kiện về diện tích tự nhiên và quy mô dân số, nên phải thực hiện việc sắp xếp để đảm bảo thực hiện đúng quy định tại Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 ngày 12/7/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2025.
Với truyền thống cách mạng đoàn kết, gắn bó lâu đời, hai huyện Long Điền, Đất Đỏ, sau khi sáp nhập sẽ trở thành huyện Long Đất có nhiều lợi thế trong việc phát triển tổng hợp về nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, du lịch. Qua đó góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.
Cũng theo ông Mai Ngọc Thuận, việc sáp nhập sẽ làm dôi dư một số cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở cấp huyện và cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, cần có chế độ hỗ trợ từ cả Trung ương lẫn địa phương.
Do đó, việc HĐND tỉnh thông qua Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2025 là rất cần thiết.
Khi đó, những trường hợp dôi dư thuộc diện bị tinh giản biên chế ngoài việc được hưởng chính sách theo quy định tại Nghị định số 29/2023/NĐ-CP của Chính phủ về tinh giản biên chế, còn được hưởng một khoản hỗ trợ bằng 80% tổng kinh phí trợ cấp tinh giản biên chế theo quy định của của Trung ương. Nguồn chi này được cân đối từ ngân sách tỉnh.
Quy định này vừa tạo điều kiện cho địa phương mới được sắp xếp, ổn định tổ chức bộ máy đơn vị hành chính mới vừa khuyến khích các trường hợp dôi dư tự nguyện nghỉ công tác sớm hơn so với quy định và để bảo đảm tính thống nhất trong giải quyết chế độ chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh.
Về chủ trương thành lập các phường và việc thành lập TP.Phú Mỹ, ông Mai Ngọc Thuận cho biết, sẽ mang lại nhiều lợi ích cho đô thị Phú Mỹ; góp phần nâng cao hiệu quả của chính quyền trong quản lý tổng thể xã hội. Đồng thời, tạo điều kiện cho đô thị Phú Mỹ hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý hành chính Nhà nước, tạo điều kiện khai thác, phát huy tối đa các tiềm năng và lợi thế sẵn có của địa phương, là yếu tố quan trọng đóng góp cho sự phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao chất lượng đời sống của Nhân dân và thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VII đã đề ra.
Nguồn tin:baobariavungtau.com.vn