Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã ban hành Hướng dẫn công tác kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng (Hướng dẫn 08-HD/UBKTTW). Phóng viên Báo Bà Rịa-Vũng Tàu đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thanh Huấn, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy xung quanh nội dung này.
* Phóng viên: Ông có thể cho biết những trường hợp cụ thể nào không để “lọt” vào cấp ủy khóa mới theo Hướng dẫn 08 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương?
– Ông Nguyễn Thanh Huấn: Hướng dẫn 08 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy và ủy ban kiểm tra các cấp tăng cường giám sát, chủ động nắm chắc tình hình các tổ chức đảng trực thuộc, nhất là những nơi có biểu hiện mất đoàn kết nội bộ, có dấu hiệu vi phạm, có vấn đề phức tạp mới nảy sinh, vấn đề bức xúc mà xã hội và Nhân dân quan tâm; tập trung vào cấp ủy viên, cán bộ thuộc diện cấp ủy cùng cấp quản lý, trước hết cán bộ chủ chốt, cán bộ, đảng viên được quy hoạch nguồn nhân sự tham gia cấp ủy khóa mới và dự kiến là nhân sự đại biểu dự đại hội đảng bộ cấp trên.
Không để “lọt” vào cấp ủy khóa mới những người: Bản lĩnh chính trị không vững vàng, không kiên định đường lối, quan điểm của Đảng; phẩm chất, đạo đức, năng lực, uy tín giảm sút, ý thức tổ chức kỷ luật kém, mất đoàn kết; né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm, không dám làm; có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, tư duy nhiệm kỳ, xu nịnh, chạy chọt, tham nhũng, tiêu cực, quan liêu, cục bộ, “lợi ích nhóm”, có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”,…; vi phạm kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước; vi phạm tiêu chuẩn chính trị, những điều đảng viên không được làm; kê khai tài sản, thu nhập không trung thực, có biểu hiện giàu nhanh, nhiều tài sản mà không giải trình rõ được nguồn gốc; vi phạm trách nhiệm nêu gương, để bản thân hoặc vợ (chồng), con có lối sống thiếu gương mẫu, lợi dụng chức, quyền để thu lợi bất chính; để nội bộ mất đoàn kết nghiêm trọng hoặc xảy ra tham nhũng, thất thoát, lãng phí lớn, vụ việc tiêu cực tại cơ quan, đơn vị trong thời gian phụ trách.
Quang cảnh Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 tại điểm cầu tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
* Đối với các trường hợp không được triệu tập dự đại hội đảng các cấp, hướng dẫn quy định cụ thể như thế nào, thưa ông?
– Trong quá trình chuẩn bị đại hội, khi phát hiện có vấn đề mới phát sinh về đại biểu dự đại hội, Ủy ban kiểm tra tham mưu cho cấp ủy cấp triệu tập đại hội xem xét những trường hợp không triệu tập đến dự đại hội, gồm:
Đảng viên ở đại hội đảng viên, cấp ủy viên và đại biểu ở đại hội đại biểu trước thời điểm khai mạc đại hội bị đình chỉ sinh hoạt đảng, đình chỉ sinh hoạt cấp ủy, bị khởi tố, truy tố, tạm giam; đại biểu được bầu nhưng không đúng nguyên tắc, thủ tục bầu cử.
Cấp ủy viên cấp triệu tập dự đại hội đã có thông báo hoặc quyết định nghỉ việc, nghỉ hưu hoặc chuyển công tác ra ngoài đảng bộ trước thời điểm khai mạc đại hội (tính theo thời gian ghi trong thông báo hoặc quyết định nghỉ việc, nghỉ hưu, chuyển công tác).
Trường hợp đã được triệu tập đến đại hội nhưng phải trình đại hội xem xét, quyết định tư cách đại biểu theo quy định.
Trường hợp cần phải cho đại biểu rút khỏi danh sách tham dự Đại hội thì cấp ủy phân công đại diện cấp ủy gặp, gợi ý để đại biểu làm đơn xin rút. Đại biểu không tự giác xin rút thì lập danh sách báo cáo ban thẩm tra tư cách đại biểu trình đại hội xem xét, quyết định (chỉ áp dụng đối với các đại biểu do đại hội cấp dưới bầu và đại biểu được chỉ định dự đại hội đại biểu đảng bộ cấp trên), gồm: Đại biểu bị đình chỉ một trong các chức vụ Đảng, chính quyền, mặt trận tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội; Đại biểu đang trong thời gian chấp hành kỷ luật về Đảng, hành chính, đoàn thể, tính từ ngày quyết định kỷ luật có hiệu lực đến ngày khai mạc đại hội chưa quá 01 năm; Đại biểu đã được tổ chức đảng có thẩm quyền kiểm tra, kết luận có vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật nhưng chưa có quyết định kỷ luật.
* Để phát hiện kịp thời, chính xác những đại biểu không đủ tiêu chuẩn dự đại hội, công tác thẩm tra tư cách đại biểu được thực hiện như thế nào, thưa ông?
– Để giúp ban thẩm tra tư cách đại biểu tiến hành thẩm tra tư cách đại biểu theo quy định, trong quá trình chuẩn bị đại hội, ủy ban kiểm tra phải chủ động phối hợp với các cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy cùng cấp thực hiện các nội dung sau:
Chủ động phát hiện và xử lý, tham mưu cho cấp ủy xử lý kịp thời những vấn đề phát sinh trước đại hội. Căn cứ tiêu chuẩn đại biểu dự đại hội, ủy ban kiểm tra nắm danh sách đại biểu dự đại hội cấp mình, chủ động phát hiện các trường hợp có dấu hiệu vi phạm về tư cách đại biểu hoặc vi phạm về thực hiện nguyên tắc, thủ tục bầu cử để kịp thời thẩm tra, xem xét, kết luận.
Tổng hợp, báo cáo cấp ủy triệu tập đại hội các trường hợp: Đại biểu đang trong thời gian chấp hành kỷ luật về Đảng, hành chính, đoàn thể, tính từ ngày quyết định kỷ luật có hiệu lực đến ngày khai mạc đại hội chưa quá 01 năm; Đại biểu bị tố cáo đã được giải quyết, kết luận có vi phạm và đại biểu bị tố cáo nhưng chưa giải quyết theo quy định tại ý b, tiết 1.1, điểm 1, mục II của hướng dẫn này; Đại biểu đã được tổ chức đảng có thẩm quyền kiểm tra, kết luận có vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật nhưng chưa có quyết định kỷ luật.
Đối với những đảng viên liên quan đến nhân sự đại hội mà vi phạm pháp luật thì ủy ban kiểm tra các cấp chủ động tham mưu cho cấp ủy chỉ đạo các tổ chức đảng thực hiện nghiêm quy định về đình chỉ sinh hoạt Đảng của đảng viên, đình chỉ sinh hoạt cấp ủy của cấp ủy viên theo quy định của Điều lệ Đảng và các quy định của Đảng.
* Trân trọng cảm ơn!
Nguồn tin: baobariavungtau.com.vn