Sáng 23/11, tiếp tục chương trình lập pháp tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận ở tổ đối với dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số; dự thảo Luật Quản lý đầu tư vốn Nhà nước tại DN. Buổi chiều, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi).
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Nguyễn Thị Yến chủ trì phiên thảo luận Tổ số 4. Ảnh: CHÂU VŨ
Cần quy định chi tiết cơ chế hỗ trợ khởi nghiệp
Góp ý về chính sách phát triển công nghiệp công nghệ số (Điều 5) của dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng, Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đề nghị cần bổ sung chi tiết hơn các cơ chế hỗ trợ tài chính và đầu tư, đặc biệt là các DN khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ số tại khoản 6. Việc này bao gồm các chính sách miễn giảm thuế, hỗ trợ chi phí nghiên cứu và phát triển, hoặc tài trợ từ ngân sách Nhà nước trong giai đoạn đầu hoạt động.
Cùng với đó, cần quy định ưu đãi cho các DN công nghệ Việt Nam khi mở rộng ra thị trường quốc tế. Chính sách này sẽ giúp giảm bớt gánh nặng tài chính và thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo ra hệ sinh thái công nghệ bền vững. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung giao Chính phủ quy định chi tiết vấn đề này.
Về phát triển nguồn nhân lực công nghệ số (Điều 25), đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung rõ hơn nữa các chính sách ưu đãi để thu hút nhân tài công nghệ từ nước ngoài, đồng thời hỗ trợ các chuyên gia người Việt đang làm việc ở nước ngoài về nước.
Ngoài ra, đại biểu Hùng đề nghị cần bổ sung quy định về khuyến khích DN thành lập quỹ đào tạo nội bộ và hợp tác với các cơ sở đào tạo để xây dựng nguồn nhân lực dài hạn, có chất lượng, đáp ứng yêu cầu cạnh tranh toàn cầu.
Đánh giá toàn diện dự án sử dụng hóa học xanh
Phát biểu thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi), đại biểu Dương Tấn Quân, Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung nội dung cụ thể hơn về phạm vi quản lý đối với các hoạt động nghiên cứu và sản xuất hóa chất mới, đặc biệt là những hóa chất tiềm ẩn nguy cơ cao đối với môi trường và sức khỏe con người. Việc làm này sẽ đảm bảo tính toàn diện của luật, đồng thời tăng cường kiểm soát rủi ro ngay từ giai đoạn phát triển ban đầu của hóa chất mới.
Về Điều 9, chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung, làm rõ cách thức huy động và sử dụng nguồn lực địa phương để triển khai chiến lược hiệu quả tại khoản 1, điểm d. Theo đại biểu, điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh nhiều địa phương còn hạn chế về ngân sách và năng lực thực hiện, nhằm đảm bảo sự đồng bộ và khả thi trong phát triển công nghiệp hóa chất trên toàn quốc.
Chiều 23/11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về “Tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội” với 421/423 đại biểu biểu quyết tán thành.Quốc hội cũng thông qua Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) với 413/422 đại biểu biểu quyết tán thành. Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) gồm 9 chương, 95 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025. |
Đối với dự án hóa chất, đại biểu nhận định việc quy định tại khoản 2, điểm d, Điều 11 về áp dụng nguyên tắc hóa học xanh trong thiết kế và lựa chọn công nghệ là rất phù hợp với xu hướng phát triển bền vững. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo bổ sung thêm yêu cầu đánh giá tác động môi trường và xã hội đối với các dự án sử dụng hóa học xanh, nhằm đảm bảo rằng nguyên tắc này được áp dụng một cách thực chất, không chỉ giới hạn ở thiết kế công nghệ mà còn mở rộng sang các khía cạnh khác của dự án.
Điều 18, khai báo hóa chất nhập khẩu, khoản 5 quy định nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong việc khai báo hóa chất nhập khẩu là cần thiết. Đại biểu đề nghị bổ sung các chế tài xử lý đối với hành vi cố tình khai báo sai lệch thông tin, đặc biệt là đối với hóa chất nguy hiểm. Điều này không chỉ giúp tăng cường tính răn đe mà còn nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm trong hoạt động khai báo.
Nguồn tin: baobariavungtau.com.vn